Thành Phố Không Mặt Người
Phan_3
Cả hai mừng rỡ cùng quỳ xuống lạy mẹ và hứa sẽ nghe lời mẹ dạy. Họ thầm cám ơn mẹ đã có tấm lòng bao dung rộng lượng. Suốt đêm ấy cả nhà không ngủ mà họ đã gần như thức trọn một đêm để lắng nghe ký ức sâu thẳm về mẹ, nó như một lời giải đáp và mọi chuyện giống như chỉ mới bắt đầu khi cuộc đời của mẹ đang được lật giở từng trang:
"Thuở nhỏ mẹ và ba con cùng học chung lớp 12 ở một ngôi trường làng. Ba và mẹ đã có một thời yêu nhau say đắm, nhưng hai người không đến được với nhau chỉ vì bên nội và bên ngoại có một mối thù truyền kiếp từ rất xa xưa.
Vào thời điểm mùa hè năm cuối cấp khi phát hiện mẹ có thai với ba con, gia đình hai bên vẫn kiên quyết không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Vốn dĩ bên ngoại thuộc dòng tộc giàu sang nhất vùng,ông là người khét tiếng là khó khăn lại nóng tính cộng với sĩ diện và danh giá gia đình, nên ông bắt mẹ phải phá cái thai trong bụng. Mẹ không thể, vì đó là kết quả đơm hoa từ tình yêu cao cả giữa ba và mẹ.
Do bản tính ông ngoại rất hà khắc và cương quyết, mẹ đành phải mang tội bất hiếu bỏ nhà ra đi để mong tìm hạnh phúc và giữ lại đứa con thân yêu. Mẹ đã để lại bức thư xin lỗi ông bà và hứa sẽ quay về khi đứa con của mẹ đủ lớn khôn, và mẹ sẽ chỉ về khi nào cả hai dòng họ chịu hòa thuận với nhau.
Những ngày đầu lên thành phố mẹ đã bán hết số nữ trang mà ông bà cho để làm vốn mưu sinh cuộc sống. Mẹ cố không cho ba con biết chỗ ở của mẹ, vì mẹ muốn đợi ba con thi xong đại học mới tìm cách nhắn cho ba hay. Khi mẹ lẽn về quê để tìm gặp ba con thì biết tin ba con thi đỗ đại học, mẹ mừng vui khôn xiết vì sắp sửa được ở gần bên ba .
Cuộc đời thật trớ trêu và như một định mệnh éo le, bởi cái ngày ba con lên sài gòn để cùng ở với mẹ thì tai nạn giao thông đã bất ngờ đổ ập xuống, ba con đã ra đi vĩnh viễn mà chẳng kịp trăn trối một lời, mẹ khóc đến khô dòng nước mắt khi chẳng còn đâu là bờ vai để mẹ nương tựa trong lúc này. Mẹ đã cố sống để được nhìn thấy con gái chào đời. Vì con chính là niềm hạnh phúc lớn lao và duy nhất của mẹ trong thời điểm đó.
Một hôm lang thang đi bán vé số dạo thì mẹ ngất xỉu giữa đường do kiệt sức. Khi choàng tỉnh dậy mẹ thấy bên cạnh mình là một cậu bé có đôi mắt sáng, khuôn mặt khôi ngô chừng hơn 6 tuổi, đang xoa dầu ẹ. Hỏi ra mới biết là cậu bé ấy không nhà cửa, không cha mẹ đã trốn trại mồ côi ra đời đi lang thang kiếm sống. Thế là mẹ nhận cậu bé ấy làm con nuôi và đặt cho cái tên là Ân Tình.
Mẹ đã lăn lộn cuộc sống bon chen chốn thị thành với bao cái nghề từ bán vé số dạo, phục vụ nhà hàng, bán hàng rong, giúp việc nhà để lo cho cuộc sống gia đình. Cũng may là năm con gái lên 10 tuổi, thời điểm đó đất đai ở thành phố nóng như cơn sốt mẹ làm môi giới, giới thiệu mua bán nhà đất rồi dành dụm tiền. Có được số vốn kha khá mẹ mua đi bán lại đất đai dần tích lũy để gầy dựng được cơ ngơi thế này.
Thỉnh thoảng mẹ có về quê thăm ông bà, lần nào về mẹ cũng lẽn vào lúc nữa đêm và chẳng hề cho ông biết. Chỉ buồn là mẹ chưa thể trở về quê để báo hiếu cho ông bà khi mà mối thù năm xưa giữa hai dòng họ vẫn chưa hề nguôi tạnh.
Tạm khép lại quá khứ đau buồn, cả nhà Lam đã khóc như chưa từng khóc, nước mắt giờ đây đã cạn, thay vào đó là những nụ cười thật hạnh phúc biết bao.
Câu chuyện về mẹ là thế, bây giờ cả hai con như đã hiểu tấm lòng của mẹ, chắc chắn một điều mẹ không muốn con gái mình phải khổ giống như mẹ ngày xưa vì những hận thù của người lớn, vì những khó khăn rất cần những tấm lòng san sẻ. Hay nói đúng hơn là vì cái sĩ diện không đáng có để đánh đổi một hạnh phúc giản đơn.
Trời gần như đã sáng,một buổi bình minh thật trong lành và ánh nắng ấm áp đang chiếu rọi vào sân nhà, trên khuôn mặt ai cũng nở một nụ cười rạng rỡ. Cả hai cố nhìn thật lâu vào đôi mắt mẹ và hình như chúng nó cảm nhận trong trái tim mẹ luôn chan chứa một tình người.
6 năm sau
Phải đợi nhận văn bằng tốt nghiệp đại học ngành y xong, cả nhà Lam mới sắp xếp về quê một chuyến, sau khi lần đầu tiên mẹ nhận được thư ông ngoại gửi lên nhắn về quê gấp có chuyện.
Con đường làng trước đây đầy bụi khi nắng, lắm bùn khi mưa thay vào đó là một con đường nhựa trãi rộng. Quê hương của họ đã thay da đổi thịt từng ngày, nhà cửa mọc lên như nấm. Chỉ còn một đoạn nữa là về đến nhà, Mẹ Lam cố định thần và bất chợt bảo Ân Tình dừng xe lại, mẹ mừng rỡ như bắt gặp điều chi! Bước xuống xe mẹ vừa chỉ trỏ vào một căn nhà nhỏ vừa nói
-Đây rồi các con à! đây là căn nhà mà ngày xưa ông ngoại cất lên làm nơi trú nắng trú mưa, để canh đồng ruộng và giữ đất đai.
Mẹ Lam dẫn mọi người bước đến ngôi nhà nhỏ và nói với giọng điệu run run:
Các con có biết, đây là nơi đã minh chứng cho tình yêu của ba và mẹ. Mỗi lúc ra đây canh đồng và học bài mẹ đã từng chờ đón ba con sang thăm, nhà nội và ngoại chỉ cách nhau bởi căn nhà này và hàng cây cạnh đó. Ngày xưa căn nhà nhỏ này là nơi đã dung dưỡng tình yêu của ba mẹ. Bức tường nhà trước đây ông ngoại đã quyét vôi màu xanh lam đấy! thật là lạ mấy mươi năm rồi giờ nó vẫn còn nguyên vẹn và vẫn là một màu xanh lam dịu vợi, bây giờ thì chắc con gái mẹ có thể biết tại sao lại có cái tên Tường Lam rồi đấy.
Men theo con đường đất thẳng sâu vào phía trong là ngôi nhà ngói ba gian vẫn còn nguyên nét cổ kính. Cả gia đình nhỏ của Lam hồi hộp bước xuống xe, mọi lo lắng nghi ngờ trong đôi mắt của mẹ Lam đều xoá tan khi có tiếng ông Ngoại vang lên văng vẳng. Dù tuổi đã ngoài 70 nhưng ông vẫn còn minh mẫn, tuy giọng hơi run nhưng cũng còn chút gì đó đanh thép:
- Bà nó ơi, sắp nhỏ ơi Con Hai nó về rồi nè!
Mẹ Lam chạy đến ôm ông bà ngoại khóc tức tưởi như đứa con nít. Ngôi nhà to lớn rộng rãi của ông bà bổng như hẹp lại, khi cả dòng họ cô chú cậu dì và con cháu hội tụ về đây để đón chờ gia đình cô hai trở về làng sau bao năm biền biệt. Mọi người hỏi han nhau đủ điều và cùng nhau đón chào những thành viên mới. Đợi ọi cảm xúc lắng đọng ông ngoại mới nói rõ ngọn ngành:
- Con à! tía má cũng phần nào có lỗi và cố chấp với con trong chuyện này, bởi cái Tôi của mình quá lớn - Ông chậm rãi nói và tăng dần sự quan trọng trong từng câu chữ
Nắm lấy bàn tay con gái thân yêu, ông xuống giọng:
- Căn nhà mà tía xây trước đây ngoài đầu lộ là cốt để giữ đất, giữ đai. Vì con, vì cái tên Tường Lam mà tía đã quyết định giữ lại nó và hàng năm vẫn quét vôi lại một màu xanh lam mà con yêu thích.
Cả một đại gia đình cố im lặng để lắng nghe, ông trầm ngâm một hồi rồi nói tiếp:
- Ngày xưa chỉ một mãnh đất nhỏ mà hai dòng họ tranh chấp nhau không phân thắng bại, tía cố tình xây căn nhà đó để làm ranh giới phân chia hai dòng tộc và tranh giành mãnh đất ấy.Trãi qua một đời người và thăng trầm của cuộc sống giờ tía mới thấm thía đâu là cái tình cái nghĩa. Tháng trước anh chị xui có qua đây xin phép tía má cho ổng bả được nhận con làm dâu để mong được thanh thản trong cái tuổi gần đất xa trời, Hai bên cũng thống nhất sẽ giao mãnh đất đó lại cho con mà không hề tranh chấp nữa. Chúng ta có thể bắt tay nhau rồi con ạ.
Giờ thì mọi chuyện đã rõ. Tía gọi thằng út:
- Út ơi! Con sang nhà Bác Năm , mời anh chị xui qua đây đón con dâu và cháu về lẹ đi.
Tận trong sâu thẳm người lớn ai ai cũng có thể biết được rằng, chuyện không bắt nguồn từ mãnh đất mà từ rất xa xưa ông cố ngoại Tường Lam là người giàu có nhất vùng nhưng lại không cưới được một người con gái đẹp nhất làng, người con gái ấy đó chính là bà cố nội của Lam. Cốt lõi của hận thù đã bắt nguồn từ đấy.
Trời tối dần sau một cuộc hội ngộ đầy tiếng cười và nước mắt, mẹ Tường Lam lẳng lặng đi một mạch ra đồng, đến trước nấm mồ của chồng thấp nén nhang và nàng thầm khẩn nguyện:
- Anh ơi! giờ thì em có thể sắp xếp để đưa cả gia đình về sinh sống tại chốn quê nhà, được gần gủi và hương khói cho anh, em mãn nguyện và vô cùng hạnh phúc. Ngày xưa anh ước mình được trở thành kỹ sư nông nghiệp, còn em là bác sĩ để chữa bệnh cho dân nghèo, em đã không làm được điều đó! nhưng con mình, con chúng mình đã thay em làm điều mà anh hằng mong ước. Em sẽ xây một căn nhà với màu xanh lam đầy kỷ niệm. Em sẽ khắc tên anh, tên em và cả hai cái họ của chúng mình trên hai tảng đá trước sân nhà để mãi khắc sâu mối thân tình mà bấy lâu nay đã hằng bị chia cắt.
5. Giấc mơ về một con chuột mang khuôn mặt người
Truyện ngắn của Hồ Huy Sơn
1. Sáng nay, lúc làm vệ sinh cá nhân, rất tình cờ, Thành trông thấy đầu ngón tay trỏ của mình xù xì, giống như vừa bị con gì cắn. Thành dụi dụi mắt, vết thương vẫn nằm đó, nham nhở với đám da sần sùi, có thêm chấm đỏ của máu.
Rõ ràng Thành đã bị con gì cắn. Nhưng con gì là con gì? Không lẽ là chuột. Vết cắn này nhất định chỉ có chuột thôi! Nghĩ vậy, Thành hốt hoảng gọi Liên:
- Em ơi! Anh bị chuột cắn…
Liên giọng ngái ngủ:
- Anh nói gì cơ? Con gì cắn?
Giọng Thành vẫn đầy hốt hoảng:
- Chuột! Chuột cắn tay anh…
Lúc này Liên đã tỉnh táo hơn một chút:
- Anh nói như thế nào ấy chứ, nhà mình làm gì có chuột!
- Thật mà! Không tin em xuống đây mà xem. Anh bị chuột cắn ở đầu ngón tay trỏ đây này.
Liên cột mớ tóc ra sau rồi vội vã chạy xuống nhà. Cầm bàn tay của chồng săm soi một lúc, giọng Liên như chùng xuống:
- Lạ thật! Nhà mình trước giờ đâu có con chuột nào...
Thấy khuôn mặt của chồng đầy vẻ lo lắng, Liên liền chuyển giọng:
- Mà không sao đâu anh! Hồi thi đại học, do thức khuya học bài nên em ngủ say quá, đến mức bị chuột cắn mà không hay biết. Sáng ra thấy hai đầu ngón chân cái xù xì mới biết mình bị chuột cắn. Thế mà từ đó tới giờ, em đâu có bị làm sao!
Thành nhìn đồng hồ, phát hiện mình bị chậm mười lăm phút so với thường ngày. Con chuột quái quỷ! Thành tính chửi thề con chuột thêm một vài câu nhưng sực nhớ tới câu nói của Liên, cảm thấy như được an ủi phần nào.
2.Hôm sau nữa, thêm một ngón tay của Thành bị chuột cắn. Lần này, Thành lo thực sự. Liên vẫn chỉ biết chép miệng:
- Lạ thật! Làm gì có con chuột nào đâu.
Cũng như lần trước, Liên lại cầm bàn tay Thành lên săm soi, sau đó rửa qua nước sạch rồi dùng oxy già sát trùng vết thương cho Thành.
Thành cũng thấy lạ. Rõ ràng, cả Thành và Liên đều chưa từng thấy con chuột nào chạy trong nhà, đến tiếng kêu của nó cũng không hề nghe thấy. Nhà của Thành và Liên, thực chất chỉ là một căn phòng nằm trong dãy trọ cùng rất nhiều gia đình khác. Khu trọ này khá thoáng và sạch sẽ, từ lâu không thấy con chuột nào lảng vảng qua. Riêng căn phòng của Thành và Liên được lát gạch, hầu hết được khóa cửa cẩn thận mỗi lúc cả hai vắng nhà. Đồ đạc trong nhà cũng gọn gàng, ngăn nắp, không có biểu hiện nào cho thấy có sự tồn tại của chuột.
Nhưng còn vết cắn trên hai đầu ngón tay của Thành? Đó chắc chắn là vết cắn của chuột. Nếu vậy, con chuột đó đang ẩn náu ở đâu? Trong nhà, còn có chỗ nào kín đến mức con chuột nép mình trong đó mà cả Thành và Liên đều không phát hiện ra. Thành đã bị nó cắn hai đầu ngón tay, ngộ nhỡ hôm sau nữa, nó lại tiếp tục cắn vào ngón tay thứ ba. Thành không dám chắc khả năng này không thể xảy ra. Mọi sự chỉ chắc chắn khi Thành phát hiện và tiêu diệt được con chuột đó.
Buổi tối, Thành và Liên cùng xúm vào lùng sục khắp nhà. Đồ đạc cũng được sắp ra, nằm ngổn ngang giữa nhà nhưng tuyệt nhiên không hề phát hiện thấy chuột. Đến phân chuột cũng không có!
Khi Thành đem chuyện mình bị chuột cắn kể lại với đồng nghiệp trong cơ quan, ai cũng xúm vào tỏ vẻ thương cảm cho Thành. Người bảo không sao, giống như Liên từng nói với Thành. Có người lại bảo nguy hiểm, có thể bị dịch hạch như chơi!
Mỗi người thêm vào một ý, Thành nghe xong chẳng biết nên mừng hay lo. Đến khi cô đồng nghiệp gõ vào google cụm từ “bị chuột cắn” liền cho ra một loạt kết quả. Thành ghé vào màn hình máy tính, lẩm nhẩm đọc: “Nếu bị chuột cắn, không biết, không điều trị sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác cho sức khoẻ như viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, viêm gan, lách to, viêm màng não, viêm tinh hoàn, viêm kết mạc và thiếu máu”.
Vậy là câu chuyên không đơn giản nữa rồi. Thành đọc xong, cảm thấy rụng rời chân tay khi cảm giác hiểm họa đang rình rập ngay cạnh cuộc sống của vợ chồng mình. Con chuột đâu có trừ ai, mai mốt, lỡ Liên cũng bị chuột cắn thì sao? Chưa giết được con chuột “ma” kia thì hiểm họa vẫn còn đó. Nhưng làm cách nào để giết nó, trong khi cả Liên và Thành đã lục tung khắp nhà mà vẫn không thấy nó…
3.Thành bảo với Liên:
-Có lẽ mình phải mua thuốc diệt chuột thôi em ạ!
Liên vội vàng xua tay:
- Trời ơi! Nghĩ cách khác đi anh. Dùng thuốc diệt chuột, nhỡ đâu nó vương vào đồ ăn, đồ uống rồi mình ăn phải thì chết!
Thành thấy Liên nói cũng phải nhưng vào lúc đó, Thành không nghĩ thêm được cách nào khả dĩ hơn. Liên bảo:
- Thôi chiều mai anh đi làm về, ghé vào một tiệm hàng nào đó, mua lấy vỉ keo dính chuột. Dùng keo dính chuột có lẽ hiệu quả mà an toàn hơn đó anh!
Buổi chiều ngày hôm sau, nghe lời Liên, lúc đi làm về, Thành ghé vào một cửa hàng mua hai vỉ keo dính chuột. Với lòng quyết tâm phải bắt bằng được con chuột đang dâng cao độ, Thành mua thêm một chiếc bẫy sắt khi trông thấy nó trong tiệm hàng.
Đêm đó, Thành và Liên cùng đặt keo và bẫy. Cả hai thậm thụt, thì thào trao đổi với nhau như thể nếu lỡ nói to , con chuột “ma” kia sẽ nghe thấy và âm mưu diệt chuột bị bại lộ. Thành và Liên hồi hộp chờ ngày con chuột lâm nạn. Nhưng một ngày, hai ngày, ba ngày rồi năm ngày, hai vỉ keo và chiếc bẫy sắt vẫn trống không. Không lẽ con chuột đánh hơi được âm mưu của vợ chồng Thành. Sư bố khỉ! Thành bực bội chửi thề.
Bẵng đi mấy đêm, lúc hai vợ chồng đang nằm ngủ, đột nhiên Thành trông thấy một con chuột to bằng nắm tay, từ góc nhà đang lừ lừ tiến lại chỗ Thành. Cuối cùng con chuột “ma” cũng xuất hiện. Thành bất giác vòng hai tay trước ngực, cố giấu mười ngón tay vào nhau cốt không để bị chuột cắn. Con chuột trông thấy phản ứng của Thành bèn dừng lại, mắt giương giương nhìn Thành.
Suýt nữa thì Thành hét toáng lên, khi nhìn thấy con chuột có khuôn mặt của người! Một khuôn mặt rất điển trai, chỉ có điều khuôn mặt đó chỉ nhỏ đúng với kích cỡ khuôn mặt của chuột.
Toàn thân Thành nóng đẫy, mồ hôi rịn ra thấm ướt cả chiếc áo ba lỗ đang mặc. Thành sợ hãi ngồi bật dậy, líu ríu gọi vợ:
- Dậy đi em! Con chuột… con chuột…
Thành ú ớ không nên câu. Liên vội vàng bật đèn nhưng tuyệt nhiên không hề thấy một con chuột nào. Bên cạnh, chỉ Thành đang ngồi thẫn thờ, mồ hôi chảy ròng ròng.
Liên bảo:
- Làm gì có con chuột nào đâu!
Thành vẫn chưa hết bàng hoàng:
- Có chuột! Một con chuột mang khuôn mặt người…
Kể từ lúc đó, Thành không tài nào chợp mắt được. Hễ nhắm mắt thì ngay đó, con chuột mang khuôn mặt người lại hiện ra, mắt giương giương nhìn Thành.
Lúc đầu, Liên đinh ninh là Thành nằm mê rồi gặp ác mộng. Nhưng Thành hoàn toàn không có biểu hiện gì của người mê sảng. Chỉ có điều, con chuột thì không thấy đâu. Liêm cảm thấy lo lắng cho Thành nên cũng thức theo chồng cho đến sáng.
Sáng mai, Thành bảo với Liên:
- Anh nhớ rồi! Con chuột mang khuôn mặt của Tuấn. Em còn nhớ Tuấn không? Tuấn học đại học với anh hồi trước, vợ chồng mình đã gặp cậu ấy hơn hai tháng trước đó.
Ngừng một lát, Thành nói tiếp:
- Không hiểu sao anh lại thấy con chuột mang khuôn mặt của Tuấn. Con chuột nghênh nghênh nhìn anh đầy thách thức…
Liên nhìn Thành đầy thương cảm nhưng lúc đó, Liên không biết phải an ủi chồng như thế nào. Bởi Liên cũng chưa bao giờ trông thấy một con chuột như vậy cả.
4.Nỗi lo về mấy căn bệnh do chuột mang lại không trầm trọng bằng hình ảnh con chuột mang khuôn mặt người. Trong khi Thành ú ớ, giãy giụa một cách khổ sở thì con chuột mang khuôn mặt người vẫn nghênh nghênh nhìn Thành. Thành thấy ớn lạnh toàn thân.
Ở đâu ra một con vật như thế? Kể từ khi trông thấy nó, trong đầu Thành lúc nào cũng hiện lên hình ảnh con chuột mang khuôn mặt người nhưng không làm sao giải thích được. Tất nhiên Thành không dám nói với ai. Biết nói cái gì bây giờ. Không lẽ bảo với người ta, tôi đã trông thấy một con chuột mang khuôn mặt người. Khi đó, chắc chắn có người sẽ cho Thành không được bình thường. Hoặc cũng có thể người ta sẽ cho rằng Thành bị mê sảng, hậu quả từ một căn bệnh mới mà chuột mang lại.
Bởi vậy Thành đành im lặng với chuyện con chuột mang khuôn mặt người. Nhưng ý nghĩ lại không cho Thành yên. Ý nghĩ cứ chạy quanh quẩn trong đầu Thành, về một con chuột mang khuôn mặt người, với hàng chục câu hỏi: vì sao lại thế, con chuột từ đâu tới, vì sao chỉ có Thành nhìn thấy nó?...
Sau hai đầu ngón tay bị cắn nham nhở, Thành không bị chuột cắn thêm lần nào nữa. Hoặc cũng có thể là chưa. Nhưng hình ảnh con chuột mang khuôn mặt người lại hiện về thường xuyên trong giấc ngủ hàng đêm. Thành không rõ mình đang mơ hay thực nhưng con chuột vẫn cứ giương mắt nghênh nghênh nhìn Thành. Nếu như mơ, sao hai đầu ngón tay của Thành lại bị cắn sứt sỉa như vậy? Còn nếu là thực thì con chuột kia ở đâu? Mà vì sao con chuột lại mang khuôn mặt của Tuấn?
5.Vì sao con chuột lại mang khuôn mặt của Tuấn?
Câu hỏi này không chỉ mình Thành thắc mắc. Liên cũng đang hoang mang. Phấp phỏng. Lo lắng. Tuyệt nhiên không thể nào lý giải.
Thành và Liên cưới nhau thiếu hai tháng thì tròn bốn năm. Trong khoảng thời gian đó, cả hai chưa bao giờ to tiếng với nhau. Từ lúc cưới đến bây giờ, Thành vẫn luôn chăm sóc Liên ân cần và chu đáo. Liên đón nhận điều đó một cách vui vẻ và hãnh diện. Nhưng tự trong thâm tâm, Liên cảm thấy cuộc sống hiện tại vẫn có cái gì đó chật vật và mơ hồ quá. Điều này Liên giữ lại ình, không thổ lộ với ai, kể cả Thành.
Không ít lần Liên ngồi một mình và tự hỏi, cuộc sống của vợ chồng mình rồi sẽ như thế nào. Lấy nhau gần bốn năm, đó cũng là khoảng thời gian hai vợ chồng Liên sống trong các khu nhà trọ. Đến bao giờ mình mới có một căn nhà, nhỏ cũng được, nhưng là nhà của mình, để hàng tháng lại không phải nghe chủ nhà “dọa” tăng giá. Cả Liên và Thành đều chưa dám nghĩ đến chuyện có con cũng vì điều kiện chưa cho phép.
Liên thấy mệt mỏi khi phải sống một cuộc sống như vậy. Cho đến một buổi chiều cách đây hơn hai tháng, hai vợ chồng Liên cùng đi gặp Tuấn. Tuấn học đại học với Thành, bây giờ đã trở thành một doanh nhân thành đạt với một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Nhìn Tuấn, tự nhiên Liên lại cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về chồng mình. Mấy năm rồi, Thành vẫn chỉ là nhân viên của một công ty truyền thông, lúc nào cũng tất ta tất tưởi, chạy đua từng phút một. Ở công ty Thành có quy định, ai đi chậm một phút bị trừ một ngàn. Cuối tháng, sẽ tổng lại rồi trừ vào lương. Quy định của công ty Thành nhưng nhiều lúc cũng khiến Liên muốn thót tim vì một lý do nào đó mà Thành phải đi muộn.
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong một buổi tối đầy ấm cúng. Tuấn và Thành trò chuyện say sưa theo đúng kiểu những người bạn lâu ngày mới gặp. Còn Liên lặng lẽ quan sát hai người, thỉnh thoảng mỉm cười trước những câu bông đùa của Tuấn và Thành.
Sau buổi gặp ngày hôm đó, thỉnh thoảng Tuấn lại nhắn tin cho Liên. Lúc đầu, Liên đều vui vẻ trả lời, theo phép xã giao dành ột người bạn của chồng. Nhưng dần dần, cách nói chuyện của Tuấn, với thêm sự thành đạt của anh đã làm Liên xao lòng. Liên đến với Tuấn và nhận về cảm giác bình yên, thoải mái. Điều này khi ở bên Thành hình như Liên đã không cảm nhận được.
Như lúc ăn trưa tại nhà hàng ven sông, khi Tuấn đề nghị hai người cùng đi Thượng Hải, Liên đã cảm thấy hồi hộp xen lẫn sung sướng. Trong đầu Liên lúc đó liền hiện lên hình ảnh những thị trấn cổ ven sông đầy thanh bình hay những phố đi bộ, mua sắm lộng lẫy…
Liên khấp khởi chờ đợi. Chuyến đi Thượng Hải cùng Tuấn chỉ còn ba ngày nữa sẽ khởi hành thì bất thình lình con chuột mặt người xuất hiện. Con chuột đó, theo như lời Thành, mang khuôn mặt của Tuấn.
Liên bất giác giật mình. Có hay không một con chuột như vậy? Có lúc nào Thành đã biết chuyện giữa Liên và Tuấn nên “bịa” ra một con chuột như vậy, để Liên dừng lại?
Đột nhiên Liên cảm thấy sợ hãi và lo lắng mỗi khi nghĩ tới con chuột mang khuôn mặt người mà Liên cũng chưa bao giờ trông thấy.
6.Nhìn Thành càng ngày càng vật vã, khổ sở vì một con chuột chưa từng rõ mặt, Liên vừa lo lắng nhưng cũng đồng thời nhận ra mình vẫn còn yêu Thành. Liên xót xa khi nhìn Thành bơ phờ, mồ hôi chảy ròng ròng giữa đêm. Liên ngồi phân vân, mình còn yêu chồng như vậy, sao lại phản bội chồng? Thực sự Liên cũng cảm thấy mỏi mệt khi cùng lúc phải hóa thân vào nhiều vai diễn. Liên muốn chấm dứt mối quan hệ với Tuấn, để giải thoát ình khỏi sợi dây kim cô ngày càng thít chặt.
Buổi chiều, Liên xin phép công ty về sớm. Liên không về nhà ngay mà ghé vào một quán cà phê, ở đó Tuấn đang ngồi đợi Liên bằng vẻ phấp phỏng.
Liên bước tới rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện Tuấn, giọng đầy dứt khoát:
- Em nghĩ là cả em và anh đều đang đi sai đường. Chúng ta đang tự làm khổ chúng ta…
Ngừng một lát rồi Liên tiếp tục:
- Bởi vậy, em nghĩ là chúng ta nên dừng lại đây thôi anh ạ! Thật sự em cảm thấy mệt mỏi khi phải duy trì tình trạng này. Anh hãy hiểu cho em!
Liên nói xong rồi bước vội ra ngoài, để lại Tuấn ngỡ ngàng vì vẫn chưa hiểu chuyện gì. Đến lúc Liên khuất hẳn mà Tuấn vẫn ngồi bần thần, như chưa thể chấp nhận được sự thật vừa xảy ra.
7.Giữa đêm, Liên lay Thành khi Thành vừa chợp mắt:
- Anh! Dậy em bảo cái này.
Thành hé mắt, nói bằng giọng ngái ngủ:
- Có chuyện gì để mai nói đi!
Liên bảo:
- Lúc chiều em được về sớm. Em trông thấy chuột và đã đập nó rồi!
Nghe Liên nói xong, Thành tỉnh cả ngủ. Giọng Thành đầy vẻ ngạc nhiên:
-Thật thế à? Con chuột đâu rồi?
Liên thủng thẳng:
- Đập chết thì vứt đi, chứ để lại trong nhà làm gì!
Thành cười giả lả:
- Ừ nhỉ. Công nhận là em giỏi thật!
Thành nói xong rồi nhắm mắt trở lại, tiếp tục giấc ngủ đang dở dang. Liên không nói gì, khuôn mặt áp vào đầu gối, lặng lẽ quan sát Thành ngủ. Không biết Thành đã ngủ say thật hay chưa nhưng nhìn khuôn mặt Thành lúc nhắm mắt, hiếm có ai lành hiền được như vậy.
Liên thấy mình không có cớ gì lại ngồi một mình giữa đêm như vậy, bèn với tay tắt đèn rồi chậm rãi nằm xuống cạnh Thành.
6. Làng
Truyện ngắn của Ngô Thị Trang
Bóng chiều đổ dài trên lớp ngói xỉn màu rêu của ngôi chùa ảm màu cũ kĩ. Lá rụng cong mình đầy sân. Trước cổng chùa sụp hẳn một bên, chỉ còn bức tượng ông Ác đứng đấy vác đao giương mày dữ tợn. mắt nhìn đăm đăm vào khoảng không trước mặt. Chẳng biết ông Thiện - bạn tri kỉ của ông Ác đã đi đâu. Người ta quen mắt với sự hiện diện của cả hai ông cho đến một ngày, bức tượng ông Thiện mất đột ngột. Người làng kháo nhau hẳn trận cuồng phong nào đó đã cuốn ông đi mất.
Trước đêm ấy, trời lặng gió !
Tượng ông Thiện được làm bằng thạch cao chứ chẳng phải đồng đen đồng vàng quý giá gì. Nhưng ông Thiện mất tịnh không dấu vết. Làng, lại quen với việc trong chùa chỉ còn ông ác. Ngày trước, chùa nổi tiếng thiêng trong vùng. Ai đi xa, về gần đều sắp lễ lên chùa cầu khấn. Người ta coi chùa chiền là nơi thanh tịnh xoá mọi lỗi lầm, là nơi bấu víu cuối cùng cho niềm tin. Từ khi những bức tượng đồng trong chùa không còn, cổng chùa lở lộ gạch bên trong thì chùa vắng hương khói hơn. Tượng đồng không còn, người ta bảo chùa không còn thiêng như trước nữa.
Bà Mùi là người duy nhất ở lại chùa quét tước và dọn dẹp. Con cái đón bà về chăm sóc nhưng bà khăng khăng không chịu. Suốt ngày, bà chỉ quanh quẩn trong vườn dương liễu trước chùa, tha thẩn nhặt từng cái lá khô hay lúi húi quét quét mà chẳng cần biết có bụi hay không. Và người ta bảobà lẩm cẩm. Những đứa trẻ nghịch ngợm thường lấy gậy mà trêu chọc bà. Mắt bà kèm nhèm và chẳng thể nhận ra được con cái nhà ai thế nên bà chửi vung lên và lũ trẻ lấy đó là trò cười. Chỉ đến khi tôi chạy ra quát ột trận, chúng mới bấm nhau bỏ chạy.
Tôi cũng là người duy nhất hiểu đầu đuôi những lời nói một mình, những câu tưởng chừng như vu vơ không đầu không cuối là những đoạn rời rạc, không liền nhau về một câu chuyện nào đó. “Năm ấy, làng loạn âm binh, người chết vãn cả…Làng vắng…”. Làng bây giờ cũng vắng, không phải do loạn âm như cái năm nảo năm nao nữa. Người làng đi làm ăn xa nhiều, phụ nữ, thanh niên, mạnh ai nấy đi. Người có tiền thì đi lao động xuất khẩu nước ngoài, người không có tiền thì vào Nam làm ăn viễn xứ hoặc lên biên giới buôn hàng Trung Quốc. Cũng có người đi đào vàng mãi tận Lạng Sơn. Hai ba năm nay, làng lên phố. Nhà cao tầng mọc san sát, cái nọ ngoi cao hơn, to hơn cái kia một tí.
Dì Liên tôi cũng là một trong những người đi lao động xuất khẩu đầu tiên ở cái làng này. Khi ấy, thẳng Tí mới cai sữa dứt. Dì gửi thằng Tí ẹ tôi chăm sóc. Mẹ tôi ngắn dài nước mắt ngăn cản những dì không chịu. Dì bảo “ Biết làm gì để sống. Không lẽ cứ chịu cơ cực thế này mãi. Em cũng muốn sau này con mình lớn lên bằng bạn bằng bè... nhưng cứ ở nhà ngồi ôm con thì…” Dì vốn là người táo bạo và liều lĩnh nhiều khi đến bất cần chứ không nhu mì như mẹ tôi.
Ông ngoại tôi mất khi bà vừa sinh dì được có mấy ngày.Vậy là bà tôi bị đuổi về nhà mẹ đẻ. Rồi đến mẹ tôi, không hiểu do nghiệp chướng hay lời nguỵền nào dành cho những người đàn bà trong họ nhà mẹ tôi - mà mẹ tôi cũng phải chịu cảnh như bà ngoại. Tôi mồ côi bố từ khi lên ba. Mẹ mang tôi về ở với dì và bà . Đến lúc này, những người phụ nữ goá sống trong căn nhà nhỏ cuối làng với ánh mắt kì thị, bị mọi người coi là có số sát chồng. Dì tôi đẹp nhất làng nhưng đám thanh niên chỉ đứng ngoài thèm thuồng mà không ai dám mang cau trầu đến. Bà tôi mất khi biết tin dì “không chồng mà chửa”. Dì không khóc hay than vãn một lời như thể đã chuẩn bị tất cả để chấp nhận. Thậm chí không thèm cúi mặt khi gặp những lời đàm tiếu. Mẹ với dì, hai người cô phụ sống với nhau lầm lũi. Mẹ mở tiệm may nhỏ chỉ đủ cho cuộc sống tằn tiện qua ngày. Tôi vẫn nhớ những đêm mưa lớn, mẹ ngồi ôm tôi nhìn nước nhỏ tong tong vào chiếc chậu đặt giữa nhà.
Thằng Tí chưa đầy tuổi đã phải xa mẹ, nhớ hơi mẹ khóc ngằn ngặt. Có hôm, nó khóc quá mẹ tôi lôi bầu vú của mình cho nó nhay. Tuy chẳng có giọt sữa nào những dường như bầu vú mang lại hơi mẹ, thằng Tí cứ thế ngậm vú ngủ ngon lành. Mẹ ru nó mà giọng nghẹn đặc nơi cổ họng “Trời mưa bong bóng phập phồng…”. Có hôm mẹ đi vắng, tôi ở nhà bế ẵm, nó đói quá khóc mãi, tôi đành bế nó xuống nhà thím Hanh, vợ chú Tùng- hàng xóm ngay sát nhà tôi xin bú nhờ. Chú Tùng bế thẳng bé trong lúc đợi vợ cho con mình bú, chẳng hiểu vì đói hay vì sao, thằng Tí nhay nhay luôn vào cái đầu ti đàn ông. Chú Tùng người thấp đậm, lực lưỡng, ngực vồng đỏ. Thằng Tí nhay nhột quá nhưng dứt ra thì nó khóc nên cũng đành kệ chiều theo ý nó. Thằng bé nhay một lúc thì hớn hở đùa và không khóc nữa. Từ đó nó không còn bú tí đàn bà mà chỉ thích mút ti chú Tùng. Đến bữa, nó không chịu ăn cơm ngay mà vác cái bụng ỏng chạy ra ngõ “Con xuống bú ti ông Tùng đã..!”. Trời nóng, chú Túng vừa đi làm về, mình mẩy đỏ lừ và còn đang mướt mồ hôi nhưng thằng bé cứ xà vào lòng “Ông ơi, con đói !”.Người đàn ông đã quen với trò nũng nịu của thằng bé. Mặc chú Tùng ngồi thái rau, nó len vào lòng mút ti một chặp rồi về ăn lưng cơm và lăn ra ngủ. Có bận, chú về muộn, đến nhà thấy nó đã ngồi đợi từ bao giờ trên bậc cửa.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian